Buôn Buôr - buôn cổ nhất của người Ê đê
Cập nhật lúc: 14:47 20/12/2019
Buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Cư Jút) được chọn là 1 trong 44 điểm tham quan thuộc 3 tuyến du lịch Công viên địa chất Đắk Nông.
Buôn Buôr được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần khảo sát, đánh giá và đi đến kết luận là buôn làng cổ nhất của người Ê đê ở Tây Nguyên.
Con đường lát đá dẫn về bến nước buôn Buôr. Ảnh: Mỹ Hằng
Những huyền thoại về buôn làng cổ nhất Tây Nguyên không có một ghi chép nào để lại. Tuy nhiên theo các già làng, người lập ra buôn Buôr là hai ông MaNu và Ê Tai, sau đó người kế nhiệm là ông AE Hgan. Buôn Buôr còn có một vị tướng chỉ huy để săn bắt thú rừng, đó là ông Y buêc Ktul. Sau khi vị tướng này chết đi, buôn Buôr không còn người lãnh đạo để săn bắt nữa.
Theo thống kê, buôn Buôr hiện vẫn còn giữ nguyên vẹn hơn 20 ngôi nhà sàn truyền thống, cùng hàng chục bộ cồng chiêng và khung dệt thổ cẩm. Nhà nào đồng bào cũng biết làm rượu cần, đan lát các đồ dùng bằng tre nứa, chế tác các nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, những nghi lễ như lễ cúng nhà mới, lễ cúng bến nước, lễ rước Kpan, lễ bỏ mả... vẫn được gìn giữ một cách nguyên vẹn.
Vì vậy, năm 2008, buôn Bua được Bộ VHTT&DL công nhận là buôn cổ của người Ê đê cần được giữ gìn và phát huy. Dự án bảo tồn buôn Buôr cổ của người dân tộc Ê đê được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng từ năm 2007, do Sở VHTT&DL làm chủ đầu tư. Mục tiêu của dự án là bảo vệ công trình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Ê đê, đặc biệt là phần nhà dài và bến nước, để giữ lại buôn cổ mang đậm bản sắc văn hóa.
Thanh Bình