Canh ngon từ bẹ... môn ngứa
Cập nhật lúc: 17:00 30/07/2019
Trong các “đại tiệc” của người Êđê, Djam Bua (canh môn) là món ăn không thể thiếu. Djam Bua là loại môn rất ngứa, nhưng khi kết hợp cùng các nguyên liệu khác lại tạo nên món canh thơm ngon đậm đà, có màu xanh đặc trưng.
Một lần tham dự đám tang ở buôn Cuôr Đăng (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar), chúng tôi khá bất ngờ khi người dân trong buôn hái cả xe máy cày môn ngứa về nấu thành mấy nồi canh to cho cả trăm người ăn ngay tại khu nghĩa trang.
Ông Y Diơm Niê - người dân buôn Cuôr Đăng cho hay, canh Djam Bua là món không thể thiếu trong các dịp lễ, đám tang, đám cưới... của người Êđê. Cây môn có 2 loại gồm môn ngọt và môn ngứa. Theo người Êđê, môn ngọt là loại đã được thuần hóa đưa về nhà trồng, dùng để nấu các loại canh chua; còn Djam Bua rất ngứa, bẹ nhỏ, lá xanh thường mọc ở bờ suối hoặc vùng trũng trong rừng. Khi gia đình, buôn làng có tiệc, người dân mới vào rừng hái môn về. Tuy nhiên, loại môn này ngày càng khan hiếm do môi trường sống thay đổi. Người dân muốn ăn phải vào tận rừng sâu mới có, vì thế món ăn này càng trở nên đặc biệt, không phải ai, muốn ăn khi nào cũng có.
Phụ nữ Êđê sơ chế nguyên liệu nấu món canh môn rừng
Môn ngứa thường nấu cùng các nguyên liệu gồm: thịt bò, xương heo, vêch bò (phần đầu ruột non của bò), mít non, cà đắng, đu đủ xanh, lõi cây chuối non, ớt xanh... Tùy vào sở thích, khẩu vị của từng người để chọn những nguyên liệu phù hợp có sẵn theo mùa. Bẹ môn đem về chặt bỏ phần lá, tước bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt thành từng đoạn ngắn; đu đủ xanh cũng sơ chế bỏ hạt cắt khúc. Khi nấu, người ta đun nồi nước to sôi lên rồi cho bẹ môn, đu đủ, xương heo... vào hầm thật nhừ.
Các nguyên liệu như đu đủ, cà đắng hoặc mít non cần bỏ vừa đủ để tránh làm mất đi mùi vị đặc trưng của món ăn là bẹ môn rừng. Ninh hơn tiếng đồng hồ cho tất cả nguyên liệu mềm nhừ mới bỏ thịt, vêch bò vào nấu tiếp, hòa bột gạo và lá yao (một loại lá rừng thường được đồng bào Êđê dùng để làm gia vị) vào để tạo độ sánh cho món ăn. Tiếp đến cho ớt xanh đã giã nhuyển, nêm muối, mắm, mì chính cho vừa ăn sau đó hạ lửa thấp chờ đến khi ăn mới nhấc nồi xuống.
Món canh môn đạt chuẩn về mặt hình thức phải có độ sánh nhất định và giữ được màu xanh đặc trưng của bẹ môn. Canh có vị ngọt đậm đà từ xương thịt, một chút đắng từ cà đắng, đu đủ, vêch bò; mùi thơm của bột gào, lá yao và vị cay nồng của ớt xanh. Khi thưởng thức, thực khách sẽ cảm nhận được vị đắng - cay - ngọt hòa quyện trong món canh. Đặc biệt, vị ngứa của bẹ môn đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn hương thơm vị ngon đọng lại. Món canh môn này ăn cùng với cơm nóng hoặc cá khô sẽ rất ngon miệng.
Món canh môn rừng theo cách chế biến của người Êđê
Cùng với món cà đắng, lá mì xào, măng rừng um ếch..., canh ngon nấu từ môn ngứa là món ăn dân dã, đậm chất truyền thống của người Êđê Tây Nguyên. Quy trình chế biến món canh môn rất cầu kỳ, tốn nhiều thời gian và hội tụ nhiều nguyên liệu nấu nhất. Hầu hết các nguyên liệu chế biến đều lấy từ tự nhiên nên món ăn ngon mang đậm hương vị của núi rừng.
Thanh Thủy