Để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch cộng đồng cho Đắk Lắk
Cập nhật lúc: 17:11 13/08/2019
Tiềm năng và thế mạnh để Đắk Lắk khai thác, phát triển loại hình du lịch cộng đồng đã được các nhà quản lý, chuyên gia cũng như nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành “công nghiệp không khói” trong và ngoài tỉnh khẳng định tại Hội thảo “Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới” do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua.
Nhân dịp này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông DƯƠNG MINH BÌNH – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển du lịch cộng đồng CBT Travel – Hà Nội, nhằm gợi mở một vài điều mà Đắk Lắk cần quan tâm trong việc thúc đẩy loại hình du lịch này phát triển một cách đúng hướng và mạnh mẽ hơn.
°Lắng nghe các ý kiến, đánh giá khá đầy đủ của những người tham dự Hội thảo, kết hợp với việc đi khảo sát thực tế tại một số địa phương, ông nhìn nhận như thế nào về du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk?
Tôi cảm nhận du lịch cộng đồng ở đây dường như mới bắt đầu, nên có rất ít điểm đến đúng nghĩa. Như trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột chẳng hạn, buôn Akô Dhông hay Khu Du lịch văn hóa – sinh thái – cộng đồng Kô Tam cũng chỉ mới đáp ứng những nhu cầu tối thiểu của du khách như ăn uống, trải nghiệm… còn lại các dịch vụ khác khá sơ sài và hết sức nghèo nàn.
Mục tiêu hướng đến mỗi khu, điểm du lịch cộng đồng phải có một bộ quy chuẩn riêng và cụ thể – từ thái độ, cung cách phục vụ, vận hành, quảng bá sản phẩm, kết nối với các công ty lữ hành cho đến việc lựa chọn, tổ chức mô hình tham quan cho từng đối tượng du khách theo hướng khoa học và chuyên nghiệp thật sự. Về điều này, tôi cho rằng chính quyền địa phương, cộng đồng làm du lịch ở đây phải nỗ lực nhiều hơn.
°Nỗ lực bằng cách nào, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Trước hết người dân, cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền phải đồng lòng, thay đổi nhận thức trong việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn. Du lịch cộng đồng là do cộng đồng làm chủ, điều hành, quản lý… góp phần tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân dựa vào vốn tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng. Trong đó Nhà nước đóng vai trò quan trọng, thông qua chủ trương, chính sách cụ thể trên các mặt kinh tế, xã hội, an ninh – trật tự giúp cộng đồng yên tâm phát triển du lịch.
Theo tôi, để phát triển ngành nghề nào cũng cần nguồn lực đầu tư và du lịch cộng đồng cũng vậy, có điều nó rẻ hơn nhờ vốn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa có sẵn trong cộng đồng. Chỉ cần Nhà nước, hội đoàn địa phương hỗ trợ (hoặc miễn giảm) lãi suất vay cho người dân là có thể làm được du lịch cộng đồng, tùy vào tính chất và quy mô của từng điểm đến. Về phía người thực hiện cũng phải ý thức và đặt lợi ích cộng đồng, xã hội lên hàng đầu vì đó là mối tương tác qua lại có tính chất quyết định sống còn đối với loại hình du lịch cộng đồng.
Đắk Lắk sở hữu nhiều giá trị văn hóa, sinh thái đặc sắc để phát triển du lịch cộng đồng. Ví như bến nước trong các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ là một trong những giá trị văn hóa, sinh thái tiêu biểu và độc đáo. Việc khai thác, phát huy giá trị ấy không chỉ dừng lại là yếu tố cảnh quan, môi trường đính kèm sinh hoạt và nghi lễ (lấy nước, cúng bến nước) truyền thống, mà còn có thể mở rộng trở thành điểm vui chơi, nghỉ dưỡng bằng hình thức xây dựng hồ bơi sinh thái, trị liệu phục vụ cho du khách có nhu cầu.
Những giá trị văn hóa khác cũng thế, như trình diễn cồng chiêng, tạc tượng gỗ dân gian… đều phải mở rộng biên độ cộng hưởng, sức lan tỏa đến đối tượng thụ hưởng và thưởng lãm mới tạo ra sản phẩm độc đáo, bền vững. Trên cơ sở đó mới có thể xây dựng được bộ nhận diện thương hiệu du lịch cộng đồng tại đây.
°Là chuyên gia tư vấn, ông có lời khuyên nào cho những người làm du lịch cộng đồng ở Đắk Lắk?
Không riêng gì Đắk Lắk mà nơi nào cũng thế, phải biết cho trước khi được nhận. Tôi nói điều này nhằm nhấn mạnh đến thái độ phục vụ của cộng đồng phải đặc biệt chú trọng, trong đó sự chân tình, chu đáo phải đặt lên hàng đầu, bởi đó là chất keo thu hút và gắn kết với du khách.
Việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng phải được quan tâm, hoàn thiện thường xuyên để kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Nên nhớ làm du lịch cộng đồng là làm kinh tế, vì thế mỗi khách lưu trú (1 đêm) sẽ bằng 5 khách tham quan. Công thức đặt ra cho du lịch nói chung là dịch vụ + thời gian lưu trú = doanh thu.
°Xin được cảm ơn ông!