Đua thuyền độc mộc trên Cao Nguyên
Cập nhật lúc: 02:21 15/03/2019
Hội thi nằm trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019
Ngày 14/3, tại hồ Lắk, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã diễn ra Hội thi đua thuyền độc mộc thu hút đông đảo du khách và người dân cổ vũ nhiệt tình cho các đội.
Hàng nghìn người dân và du khách có mặt tại hồ Lắk để theo dõi hội thi đua thuyền có 1 không 2 trên mảnh đất Tây Nguyên.
Theo ban tổ chức, các đội thi đấu ở 3 nội dung gồm: Đua thuyền 2,3 và 4 vận động viên kết hợp.
Hội đua thuyền độc mộc trên hồ Lắk nhằm bảo tồn nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Lắk nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để quảng bá danh thắng Hồ Lắk – một điểm du lịch độc đáo của địa phương.
Hội thi đua thuyền độc mộc trên Hồ Lắk là một trong những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người địa phương.
Qua lễ hội, du khách và người dân địa phương có thể tìm hiểu được giá trị văn hóa lâu đời của thuyền độc mộc cũng như giá trị văn hóa Hồ Lắk.
Hội thi nhằm quảng bá cho du khách trong và ngoài nước biết đến địa điểm du lịch này và sẽ thu hút nhiều du khách đến đây.
Thuyền độc mộc là một dạng thuyền truyền thống có lịch sử từ lâu đời. Cho đến nay, thuyền độc mộc vẫn đước sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới; ở Việt Nam nó cũng còn phổ biến ở các vùng như Tây Nguyên, Đông Bắc…Thuyền độc mộc có lẽ do bắt nguồn từ việc người ta lợi dụng những thân cây nguyên vẹn có sức nổi để phục vụ nhu cầu di chuyển. Về sau thân cây đã được đẽo gọt để thêm sức nâng và bớt lực cản của nước khi di chuyển.
Thuyền độc mộc được đục từ một thân cây lớn gỗ lớn nguyên vẹn, thường là những loại cây gỗ chịu nước và có tỉ trọng nhỏ so với nước như gỗ sao…
Người chế tác dùng rìu đẽo rỗng phần ruột cây và tạo hình thuyền theo hình dáng định sẵn; trước khi các vật dụng bằng kim loại được chế tạo, thân cây được đục rỗng bằng cách đốt. Thường là mỗi dân tộc lại có một kiểu thuyền truyền thống. Làm thuyền độc mộc rất khó vì phần vỏ phải mỏng nhưng thuyền vẫn phải chắc để có thể chịu đựng sức đập của các thác, các sóng vì vậy cần có sự khéo tay và tỷ mỉ, kì công nên ít người làm được. Hiện nay cây gỗ lớn, thích hợp ngày càng khó kiếm nên việc làm thuyền cũng trở nên hiếm hoi.
Đây là một nét văn hoá rất đặc sắc lại là một công cụ lao động gần gũi hằng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên lưu vực các con sông và các hồ ở vùng cao như Tây Nguyên, Tây Bắc.
Một số hình ảnh về hội thi:
Nguồn : C.L