Gỏi “Djam tang” của người Ê đê huyện Cư Jút

Cập nhật lúc: 10:05 20/04/2019

Theo tiếng Ê đê, “Djam” nghĩa là canh, “tang” là tên một loại cây mọc ở sông Sêrêpốk, Krông Ana, Krông Nô... Từ lâu, người Ê đê đã biết dùng đọt, lá và hoa của loài cây này nấu với cá sông thành món canh ngon, bổ dưỡng.

Món gỏi “Djam tang” được chế biến từ hoa và lá non

“Djam tang” trở thành tên gọi món ăn và tên gọi chung của loài rau này trong cộng đồng người Ê đê cũng như các dân tộc M’nông, Kinh... Người Ê đê ở xã Tâm Thắng (Cư Jút) xem đây là nguyên liệu đặc biệt, chế biến các món ăn truyền thống độc đáo như canh Djam tang cá sông, Djăm tang xào thịt bò, gỏi Djam tang thịt heo rừng… Trong đó, món gỏi “Djam tang” ngày càng được ưa thích, được đưa vào thực đơn của một số quán ăn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh.

Djam tang có thân mềm, cao nhất khoảng 3m, thường mọc dựa theo những tảng đá ở bờ sông hoặc lòng sông. Thân cây có gai và lá trông như là đu đủ. Hoa nở từng chùm dưới nách lá, có màu vàng sẫm, vị ngai ngái đắng. Hoa của loài cây này được xem như "hoa thiên lý” của người Ê đê. Vào mùa khô, đặc biệt là tháng 3, mặc dù cây già cỗi, nhưng hoa của loài cây này xuất hiện nhiều, được nhiều người săn lùng về chế biến món gỏi rất ngon. Đến mùa mưa, rau trỗi dậy, vươn những mầm chồi nõn nà, người Ê đê lại hái đọt và lá non về chế biến món ăn.

Món gỏi “Djam tang” trên mâm cơm truyền thống của người Ê đê

Hoa, đọt, lá có thể nấu canh, xào trộn với thịt, cá, tôm tép… nhưng ngon nhất vẫn là món gỏi. Gỏi “Djam tang” được chế biến khá công phu, nguyên liệu từ hoa phổ biến.

Nghệ nhân ưu tú H’Đă Êya ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) cho biết: Người Ê đê thường trụng hoa qua nước sôi rồi vắt khô. Thịt heo rừng thái miếng nhỏ, được nướng chín vàng ươm. Đậu phộng rang chín, giã nhỏ. Sau đó, tất cả nguyên liệu được trộn đều với rau thơm (ngò gai). Gia vị phải có ớt xanh và muối kiến vàng mới khiến món ăn trở nên đặc biệt hơn. Vị bùi, có chút đắng nhưng lại ngọt là sự đặc biệt của hoa “Djam tang”, cộng với sự thơm ngon của thịt nướng, béo giòn của đậu phộng và chút vị đậm đà, chua chua của muối kiến vàng… trở thành hương vị món ăn khó quên với người thưởng thức.

Món gỏi “Djam tang” trên mâm cơm truyền thống của người Ê đê

Theo anh Y Zơn, buôn Trum, xã Tâm Thắng (Cư Jút) thì trước đây, cây “Djam tang” mọc ven sông rất nhiều. Ngày nay, do môi trường sống thay đổi, cộng với sự diễn biến thất thường của thời tiết, nên giờ đây “Djam tang” dần dần trở nên khan hiếm. Món ăn từ “Djam tang” được chế biến vào các dịp đặc biệt, đãi khách đến nhà của người Ê đê.

Bải, ảnh: H’Mai

 

Nguồn: Báo Đắk Nông điện tử