"Kiến trúc sư" của nhà dài Êđê

Cập nhật lúc: 15:53 31/12/2018

Đến Đắk Lắk, du khách không khỏi trầm trồ về kiến trúc độc đáo của ngôi nhà dài Êđê. Tuyệt phẩm này là kết tinh trí tuệ, sáng tạo của người nghệ nhân tài hoa, những người được ví như “kiến trúc sư” của buôn làng.

Đến buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), chúng tôi gặp già Y Bhưt Êban (SN 1956) - người tự tay thiết kế, hướng dẫn dựng nên gần 20 ngôi nhà dài ở nhiều buôn làng khác nhau trong tỉnh. Ông cho hay mình đã tham gia dựng nhà từ thuở thiếu niên. “Người Êđê mình có truyền thống, hễ ai làm nhà, gia chủ chỉ cần thông báo là dân làng đều đến làm tới khi hoàn chỉnh ngôi nhà. Chuyện cơm ăn, nước uống, chủ nhà lo tất, còn dân làng đến giúp không tính tiền công. Cứ thế, nhà này dựng xong lại sang nhà khác cho đến khi ai cũng có nhà để ở”. Mỗi lần đi dựng nhà như vậy, ông Y Bhưt lại chú ý tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm từ việc thiết kế đến thi công sao cho ngôi nhà chắc chắn, đẹp và có hồn, từ đó mang áp dụng vào thực tế.  Ngôi nhà đầu tiên ông thiết kế là chính là nhà của mình. Về sau biết ông có “khiếu” dựng nhà, nhiều người tìm đến nhờ giúp. Thoáng đó đã hơn 50 năm, nay nhìn lại, ngôi nhà của ông vẫn vững chắc dù chịu bao nắng mưa, bão táp.

Già Y Bhưt kể chuyện làm nhà dài.

Già Y Bhưt kể, ngôi nhà là không gian sinh sống chung của cả dòng họ người Êđê nên rất dài (từ 40-100m) tùy vào dòng họ đông hay ít người. Nguyên liệu làm nhà gồm gỗ, tre, nứa, cỏ tranh… những thứ này phải vào rừng lấy mới, không được dùng đồ cũ. Khi vào rừng chặt gỗ, nữ gia chủ dùng rìu bổ vài nhát vào gốc cây trước khi chặt đem về đẽo làm cột, đà ngang… Gỗ thường chọn là cây sao, cà chít bởi các loại cây này chắc, không bị mối mọt ăn. Tiếp đến chặt tre, nứa chẻ nhỏ đan lại làm vách, cắt cỏ tranh bện chặt để lợp mái… tất cả công đoạn này đều làm thủ công, gia chủ mất cả năm trời mới chuẩn bị xong. Nguyên liệu có đủ, gia chủ chọn ngày lành tháng tốt dâng lễ cúng xin phép Yàng trước khi dựng nhà.

Để dựng ngôi nhà bền đẹp, gia chủ tìm nhờ một người có kinh nghiệm chỉ huy, hướng dẫn dân làng cùng dựng. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4–5 m, gầm sàn cao hơn 1m. Khi dựng cột nhà, phải chôn sâu xuống đất 1,5m tạo sự chắc chắn; các thanh đà ngang, đòn dông… được chắp nối, liên kết với nhau mới đủ sức chịu đựng mọi tác động của thời gian. Muốn làm được điều này “kiến trúc sư” phải có “bí quyết”, nắm vững nguyên tắc “bắt kèo”. Một phần quan trọng nữa nắm giữ “linh hồn” ngôi nhà là nóc nhà. Người chỉ huy phải tính toán độ nghiêng, độ cao sao cho tổng quan ngôi nhà hài hòa, thể hiện được ý tưởng, khát vọng của gia chủ. Nhà dài dựng theo hướng Bắc –Nam rất mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. (Người Êđê rất kỵ làm nhà hướng Đông –Tây, bởi hướng này chỉ làm nhà mồ cho người đã khuất). Trong quá trình dựng, gia chủ không được đến nhà người chết, không ăn gà bệnh dịch, phụ nữ không được gội đầu xõa tóc, con rể không được lợp phần nóc. Nếu phạm phải, gia chủ sẽ gặp chuyện xui xẻo, làm ăn thất bát, gia đình bất hòa… Thời gian hoàn thành ngôi nhà mất khoảng 1-3 tháng tùy nhà to nhỏ.

Nhà dài là biểu tượng văn hóa độc đáo của người Êđê.

Già Y Bhưt tâm sự, ngôi nhà không chỉ là nơi để ở mà còn là biểu tượng cho sự gắn bó của con người với cộng đồng, với thiên nhiên đầy nắng gió. Nhưng theo thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều người Êđê đã thay đổi cách sống, họ tách khỏi gia đình lớn nên hết rồi những ngôi nhà “dài như tiếng chiêng ngân”. Hơn nữa, nguyên liệu dựng nhà ngày càng hiếm cũng là nguyên nhân khiến nhà dài thưa bóng. Những “kiến trúc sư” như già cũng mất "nghề”, số người biết dựng nhà dài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Già Y Bhưt hiểu đó cũng là điều tất yếu thôi, chỉ mong những ai còn có ngôi nhà dài hãy trân trọng gìn giữ bởi đó là văn hóa, bản sắc và là niềm tự hào của người Êđê Tây Nguyên.

Huỳnh Thủy

,
 

nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”