Nên dẹp lễ hội bạo lực!: Tạo ra được thì bỏ được

Cập nhật lúc: 09:29 14/02/2019

Đầu Xuân là mùa của lễ hội. Trong đó, "lễ" là để thể hiện sự sùng kính của con người đối với thánh thần, "hội" là hoạt động sinh hoạt của cộng đồng. Một trong những mục đích chính của lễ hội là nhằm nâng cao phẩm chất cao đẹp của con người, nhắc nhở con người nhớ về nguồn cội, khơi dậy cái thiện, từ đó giúp con người có đời sống tinh thần lành mạnh, yên vui.

Cần phải thay đổi

Hiện vẫn còn đâu đó nhiều lễ hội dân gian mang tính ngu muội, hung ác, tàn bạo; lôi kéo con người trở về thời kỳ cổ xưa, đi ngược lại nền văn minh nhân loại. Đơn cử như lễ hội chém lợn, đâm trâu hay mới đây tại một lễ hội người ta tranh nhau nhổ lông con lợn đang sống để cầu may cho mình.

Bạn bè quốc tế sẽ đánh giá nền văn minh và đạo đức quốc gia chúng ta ra sao khi đọc và xem những lễ hội như thế? Chúng ta truyền tải những thông điệp gì, chúng ta dạy cho con người hôm nay và thế hệ mai sau những gì thông qua các hoạt động chém, giết ấy? Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến trẻ em, thế hệ làm chủ tương lai của đất nước. Bởi lễ hội là dịp tụ họp đông vui, mà ở đâu đông vui là ở đó thu hút sự chú ý đặc biệt của trẻ em. Chúng ta sẽ tiêm nhiễm vào nhận thức của con cháu mình những gì qua các hình ảnh tàn bạo và man rợ của việc đâm trâu, chém lợn, vặt lông? Trẻ em khác với người lớn ở chỗ: người lớn có một ý thức đúng sai để lọc, có thể được ví như một lớp cửa có bảo vệ, trước khi cho vào nhà, nhà ở đây chính là tiềm thức. Còn với trẻ em, chúng chưa có ý thức đúng sai, chưa có lớp cửa bảo vệ, cửa nhà mở toang, những gì chúng xem, đúng cũng như sai, cứ thẳng tiến vào tiềm thức. Những hình ảnh đâm, chém được cổ xúy khi đã đi vào tiềm thức sẽ khiến cho trẻ có hành vi bạo lực ngay từ nhỏ và cả khi lớn lên.

Con người có trước văn hóa, con người tạo ra lễ hội, nên con người cũng có thể từ bỏ những lễ hội không còn phù hợp. Một lễ hội dân gian nào đó được tạo ra đều gắn liền với hoàn cảnh lịch sử và nhận thức của con người địa phương tại thời điểm lịch sử ấy. Khi hoàn cảnh đã thay đổi, nhận thức con người được nâng lên, chúng ta không thể vì chỉ để giữ gìn mà tổ chức hết năm này qua năm nọ. Tính địa phương cũng không còn chỉ ở địa phương khi mọi thông tin và hình ảnh thông qua truyền thông và mạng xã hội có thể được chia sẻ và lan tỏa khắp nơi một cách nhanh chóng. Thế nên, khi mọi thứ đã đổi thay, chúng ta cũng cần thay đổi.

Lễ rước “ông Ỉn” ở làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh trước khi bị đưa ra chémẢnh: Nguyễn Hưởng

Gieo gì gặt nấy

Trong suốt chiều dài lịch sử, sự xuất hiện, đời sống và những lời dạy của các thánh nhân đã chỉ cho chúng ta cách để sống. Giêsu Kitô kêu gọi từ bỏ tế lễ theo truyền thống cũ và chỉ ra cho chúng ta con đường cứu rỗi thông qua niềm tin, tha thứ và yêu thương. Thái tử Tất Đạt Đa không sinh ra đã là Phật nhưng đã trở thành Phật bằng nỗ lực của chính mình (danh từ "Phật" có nghĩa là người giác ngộ) và ngài sau đó dành ra 45 năm còn lại của cuộc đời mình để chỉ cho chúng ta con đường giải thoát thông qua tự sửa chữa bản thân. Con người không dựa vào chính mình, không tự mình nỗ lực, dựa dẫm và trông mong vào sự nâng đỡ của cái gì đó bên ngoài, vào những điều thần bí đã tạo dựng nên thần thánh theo hình ảnh của chính mình để rồi thờ cúng, dựa dẫm. Nhiều người tin rằng nếu họ đáp ứng mong muốn và làm cho thần thánh thỏa mãn, thần thánh sẽ thưởng cho họ. Một niềm tin vô cùng trẻ con! Họ tự nghĩ ra và chiều chuộng mong muốn của thần thánh theo mong muốn của con người. Họ thờ cúng và cầu xin, như là một sự mua chuộc. Họ cầu xin sự bám víu mà thánh thần được họ cầu xin đã buông bỏ cho mình. Họ nghĩ thánh thần cũng như con người, cũng có thể bị mua chuộc. Và lợi dụng điều này, chỉ vì lợi ích kinh tế, nhiều người đã cả gan buôn thần bán thánh.

Sẽ chẳng có thánh thần nào ở đó để chứng giám. Mọi thứ đều được vận hành theo những quy luật của vũ trụ. Gieo hạt lúa, gặt hạt lúa. Gieo đau khổ, gặt khổ đau. Thánh thần, nếu có, cũng chỉ để làm sao bảo đảm cho các quy luật được vận hành. Sẽ chẳng vì vật tế lễ mà thánh thần có thể trao cho sự ưu ái đi ngược lại quy luật, gieo hạt ớt thì không thể đòi gặt hạt lúa, gieo đau khổ thì không thể mong cầu hạnh phúc.

Nhiều người cho rằng lễ hội là nét đẹp văn hóa dân gian nhưng nếu lễ hội nào đó đi ngược lại nét đẹp đạo đức con người, chúng ta nên mạnh dạn từ bỏ.

 
NGUYỄN HỒNG HUẤN

Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)