Ngoại ngữ – điểm yếu của nhân lực ngành Du lịch

Cập nhật lúc: 14:02 05/07/2019

So sánh với các nước trong ASEAN như Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia… thì hạn chế của nguồn nhân lực ngành du lịch ở Việt Nam hiện nay không những thiếu về số lượng, mà còn yếu về ngoại ngữ. Đa phần sinh viên chỉ được đào tạo về tiếng Anh nhưng vì ít thực hành nên chưa thông thạo giao tiếp. Chưa kể đến các thứ tiếng khác còn khan hiếm nhân lực hơn. 

ảnh minh họa

Nhiều du khách chỉ được “xem chay” hiện vật

Một chuyên viên Phòng Văn hóa – Thể thao huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, mỗi năm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan. Đối với du khách người Việt, chị có thể dễ dàng thuyết minh về các hình ảnh tư liệu, hiện vật để du khách có thể hiểu rõ hơn về cuộc đời hoạt động cách mạng của nữ anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhưng đối với du khách người nước ngoài, hầu như họ chỉ được “xem chay” hiện vật, hình ảnh vì trình độ tiếng Anh của các nhân viên ở đây còn hạn chế.

Theo một phản ánh cũng tại tỉnh Quảng Ngãi, khi du khách nước ngoài đến tham quan các di tích lịch sử, các trầm tích núi lửa trên đảo Lý Sơn, thuộc văn hóa Sa Huỳnh… do các thuyết minh viên ở đây chưa được đào tạo tiếng Anh bài bản, kiến thức tiếng Anh chuyên sâu về lĩnh vực địa chất cũng không có; nên việc chưa truyền tải được rõ ràng ý nghĩa văn hóa, lịch sử, cảm xúc đến du khách vẫn thường xuyên xảy ra. Quả thực, đây là tình trạng chung của rất nhiều điểm du lịch hiện nay, đặc biệt tại các tỉnh lẻ.

 

Còn ở tại thành phố Hà Nội, đơn cử trong lĩnh vực cư trú, chị Kim Dung – chủ khách sạn Bảo Hưng (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Khi tuyển vị trí lễ tân, hầu như  các ứng viên đều viết mình có trình độ ngoại ngữ giao tiếp cơ bản hoặc trung cấp. Nhưng khi đi vào phục vụ khách thì các bạn lại lúng túng, ấm ớ không nói nên lời. Tôi cho rằng các bạn chưa có kinh nghiệm trong giao tiếp trên thực tế”.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lưu trú thường phải “đau đầu” tìm kiếm nguồn nhân lực vừa có kỹ năng ngoại ngữ vừa có chuyên môn du lịch. Ngoài nhân viên chính thức, công ty còn phải tuyển dụng lao động theo mùa. Chưa kể, nhân sự trẻ có khả năng tốt lại hay “nhảy việc” khi có nơi khác trả lương cao hơn.

Theo một thống kê của ngành du lịch, có tới 30% – 45% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70%-80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn ngoại ngữ. Một nguyên nhân được đưa ra là vì tiêu chuẩn đầu ra của các trường đào tạo đều nằm dưới chuẩn so với quốc tế. Do đó, phần đông sinh viên Việt Nam mới tốt nghiệp các trường, khóa đào tạo về du lịch mới chỉ đáp ứng được các công việc lao động phổ thông.

Nguy cơ thua trên sân nhà

Trong khi đó, những năm qua, lao động du lịch từ các nước trong khu vực ASEAN đổ sang Việt Nam làm việc có xu hướng tăng; họ được nắm giữ những vị trí then chốt trong các công ty lữ hành, cơ sở cư trú, dịch vụ du lịch bởi trình độ ngoại ngữ tốt hơn, không chỉ thông thạo tiếng Anh, họ còn thông thạo một số thứ tiếng khác. Do đó, nếu không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, lao động Việt Nam trong ngành du lịch sẽ “thua ngay trên sân nhà”, chứ chưa nói đến việc cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.

Nguồn lao động ngành du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn bị đánh giá yếu về nhiều mặt. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năng suất lao động ngành du lịch Việt Nam thuộc hạng thấp nhất trong khu vực, đạt 3.477 USD/năm/người, chưa bằng 1/2 lần so với Thái Lan và chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Khó khăn nhất của ngành du lịch hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu về ngoại ngữ.

Chuyện không mới ở các điểm du lịch của Thái Lan, đó là du khách Việt Nam nhiều phen bất ngờ bởi những người Thái bán hàng nói tiếng Việt “sõi” y như người Việt. Nhưng đổi ngược lại, bao nhiêu người Việt Nam làm du lịch có thể nói thông thạo hoặc có ý muốn học tiếng Thái Lan? Câu chuyện này đặt ra một góc nhìn khác về trình độ ngoại ngữ của nguồn nhân lực du lịch nước ta hiện nay: Đối với các ngôn ngữ khác tiếng Anh, nhân lực còn khan hiếm hơn.

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay thành phố có khoảng 1.380 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành theo quy định, trong đó 51% là lữ hành quốc tế. Tuy nhiên, chỉ có 3.146 hướng dẫn viên quốc tế được cấp thẻ, đa số các hướng dẫn viên này chỉ biết tiếng Anh, còn các thứ tiếng khác đều trong tình trạng thiếu trầm trọng hướng dẫn viên.

Điều này bắt buộc các doanh nghiệp lữ hành phải lựa chọn giải pháp khác như thuê các hướng dẫn viên “chui” người nước ngoài để giảm chi phí. Chỉ cần ra các điểm du lịch trọng điểm của thành phố như: nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, UBND thành phố… sẽ gặp các hướng dẫn viên tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Indonesia…

Nguồn : Pháp luật Việt Nam