Nhân văn Lễ cúng vào nhà mới của người M’nông
Cập nhật lúc: 09:54 07/09/2019
Từ bao đời nay, người M’nông trên địa bàn tỉnh vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình; trong đó lễ cúng vào nhà mới là một trong những nghi lễ quan trọng.
Ngôi nhà không chỉ là nơi cư trú của các thành viên trong gia đình mà còn là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng liên quan đến đời sống tâm linh của cộng đồng. Vì vậy, mỗi khi làm xong nhà, người M’nông thường tổ chức lễ cúng vào nhà mới, với những nghi thức, tục lệ mang đậm bản sắc dân tộc, ẩn chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Chủ lễ mang cục than hồng, bầu nước khấn xin vào nhà mới
Theo đó, sau khi làm xong nhà, gia chủ chọn ngày lành, giờ lành để làm lễ vào nhà mới. Lễ vật hết sức đơn giản, chỉ cần 1 con gà, 1 bầu nước, 1 cục than hồng và 1 ché rượu cần. Khi vào nhà mới, việc đầu tiên là các gia đình phải dựng được các Njeh (thần giữ nhà). Njeh là một que tre, hai bên được vót nhọn có tua, phía trên cắm 1 miếng gan gà và 1 miếng gan heo.
Njeh được cắm ngay dưới cửa ra vào và đó chính là thần Kuắt của ngôi nhà mới dựng. Sau khi chủ lễ đặt bầu nước trước cửa nhà để xin thần nhà cho phép dọn về nhà mới thì những người theo sau sẽ mang theo 1 bầu nước, một số hạt giống cùng 1 cục than hồng bước vào nhà mới. Và tất cả các thành viên trong gia đình mang đồ đạc bước vào nhà.
Sau khi đồ đạc được mang vào nhà, chủ nhà nhờ người có gia đình mẫu mực, uy tín thành đạt nhóm bếp lửa tượng trưng đem sinh khí đến cho căn nhà. Lời khấn trước khi nhóm lửa như sau: “Ta cầu xin thần lửa, thần bếp luôn thắp sáng ngọn lửa để sưởi ấm cho ngôi nhà mới. Xin các thần ban may mắn, phù hộ cho các thành viên trong gia đình sức khỏe dồi dào, luôn đoàn kết, yêu thương gắn bó với nhau…”.
Người nhóm lửa cho nhà mới phải là người mẫu mực, thành đạt và có uy tín
Sau khi tiến hành nghi thức nhóm bếp, chủ lễ sẽ cắt tiết gà và lấy máu con vật hiến sinh hòa vào rượu, quệt lên cây Njeh và các đồ dùng trong nhà. Vừa quệt vừa khấn: “Ta khấn vái thần Kuắt/ Ta khấn thần đá bếp, thần giữ nhà/ Ta khấn thần ngãi Giun Ngo…/Ta khấn thần suối nước, thần hàng rào… Ta lấy huyết của con vật hiến sinh hòa với rượu để quệt lên tất cả các vật dụng trong gia đình và cầu mong tất cả các đồ vật sẽ gắn bó hòa thuận cùng với con cháu trong gia đình. Xin thần tốt bụng hãy phù hộ cho con cháu trong ngôi nhà có sức khỏe tốt, mạnh khỏe đời đời. Làm cái rẫy đồi có lúa đầy kho, được sống an lành, hạnh phúc. Xin kính mời các thần linh và thần tốt bụng khác tới ngồi cùng người nhà chúng tôi để uống rượu cần, ăn cơm lam, thịt nướng… Ơi Yàng!...”.
Lễ cúng vào nhà mới có ý nghĩa giáo dục những giá trị của lao động, quý trọng tình bạn, tình anh em, cộng đồng
Nghi lễ kết thúc, già làng lấy rượu từ ché đưa cho gia chủ uống trước, sau đó gia chủ mời già làng cùng con cháu trong gia đình cùng thưởng thức. Những người già sẽ kể cho con cháu nghe ý nghĩa của việc cúng vào nhà mới và những người hát hay sẽ hát chúc tụng mừng cho gia chủ…
Ông Điểu M’rưng ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cho biết: “Phong tục cúng vào nhà mới của người M’nông ngoài mục đích chúc tụng gia đình, dòng họ mạnh khỏe, làm ăn phát đạt còn có ý nghĩa giáo dục mọi người nhận thức được những giá trị của lao động, quý trọng tình bạn, tình anh em, cộng đồng”. Ông Điểu Tam cũng cho hay: “Lễ cúng vào nhà mới của người M’nông không chỉ trong phạm vi gia đình mà còn có cả khách khứa, người thân quen ở các bon lân cận. Bà con đến đây cùng uống rượu, dốc hết bầu tâm tư tình cảm, giải tỏa những hiềm khích, chúc nhau những lời tốt đẹp, sức khỏe, mùa màng bội thu, bon làng phát triển”.
Bài, ảnh: Mỹ Hằng