Những chặng đường của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột
Cập nhật lúc: 09:21 15/02/2019
Là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của tỉnh, hạt cà phê hôm nay không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất qua hơn trăm năm lịch sử.
Qua 6 kỳ tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã phát huy tối đa nội lực của địa phương trong xây dựng và nâng cao giá trị kinh tế, quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước; mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa; tôn vinh các doanh nghiệp, người nông dân sản xuất cà phê, kinh doanh cà phê; giới thiệu, quảng bá văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên; góp phần tích cực vào định hướng phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam. Mỗi một chặng đường, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã để lại những dấu ấn riêng trên hành trình chinh phục cộng đồng cà phê thế giới.
Năm 2005, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đầu tiên được tổ chức, đánh dấu bước ngoặt của ngành cà phê gắn với việc Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đăng bạ. Lễ hội đã thu hút được trên 300.000 lượt khách tham quan; 106 doanh nghiệp trong và ngoài nước với hơn 400 gian hàng tại Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê. Cũng từ lễ hội này, tỉnh đã tập trung quan tâm phát triển và lan tỏa cà phê Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương (bìa trái) thăm gian hàng cà phê tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017. Ảnh: X. Cảnh
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2 năm 2008, với quy mô lớn hơn, thu hút được 350.000 lượt khách tham quan; 145 doanh nghiệp với trên 450 gian hàng tại Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê. Cũng trên cơ sở khai thác giá trị kinh tế trong chuỗi hoạt động văn hóa cà phê, Lễ hội đã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh và phổ biến văn hóa cà phê.
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 3 năm 2011 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Lễ hội cấp Quốc gia, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê đã thu hút 185 đơn vị tham gia, với quy mô 650 gian hàng, trong đó có 17 doanh nghiệp nước ngoài với 50 gian hàng; lượng khách quốc tế đến với Lễ hội đông hơn, với tính chất quan hệ quốc tế lớn (15 Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán các nước, 10 tổ chức quốc tế uy tín về cà phê, tài chính của thế giới; các cơ quan báo chí quốc tế…).
Hạt cà phê nơi đây không chỉ là một sản phẩm tiêu biểu của nền nông nghiệp đất đỏ bazan mà đã thực sự trở thành biểu tượng tuyệt vời về sự quyến rũ, nét đẹp độc đáo của vùng đất được xưng tụng là nóc nhà Đông Dương. Hạt cà phê giúp gắn kết tình yêu, tình bạn không chỉ giữa những người Việt Nam trên khắp mọi miền mà cả bạn bè quốc tế đến với Tây Nguyên. Việc tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng là một trong những hành động góp phần vào việc bảo đảm sinh kế bền vững cho người trồng cà phê nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, đặc biệt là đối với bà con dân tộc thiểu số. Họ phải được hưởng lợi một cách tương xứng với công sức lao động và thành quả phát triển của Tây Nguyên”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Phát biểu tại Lễ Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017) |
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 4 năm 2013 với nhiều chương trình, nội dung đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, đã đạt các mục tiêu, yêu cầu đề ra là: không ngừng nỗ lực xây dựng, nâng cao, phát triển bền vững và sáng tạo giá trị kinh tế và tinh thần văn hóa cà phê; quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, cà phê Việt Nam; mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê…
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5 năm 2015 với chủ đề: “Buôn Ma Thuột – Những đường xuân lịch sử” nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, đặc biệt tôn vinh người trồng cà phê, quảng bá văn hóa du lịch cà phê mà đại diện là địa danh Buôn Ma Thuột - nơi có diện tích, năng suất, sản lượng cà phê nhiều nhất so với các vùng trong cả nước. Hội chợ – Triển lãm chuyên ngành cà phê có tổng số 710 gian hàng của 230 doanh nghiệp tham gia, đặc biệt trong đó có 90 gian hàng của 22 doanh nghiệp nước ngoài; Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên có sự tham gia của 37 nghệ nhân ưu tú đến từ các tỉnh Tây Nguyên…
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017 được lồng ghép với Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên có sự tham gia tích cực của người dân với vai trò chủ thể của Lễ hội đã thật sự trở thành ngày hội lớn của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk cũng như Tây Nguyên. Nổi bật là Hội nghị xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên năm 2017 có những định hướng đầu tư đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư về mặt xã hội, gắn kết với các hoạt động an sinh xã hội; chứng kiến Lễ ký kết hợp tác tín dụng đầu tư giữa các tổ chức tín dụng với các địa phương, doanh nghiệp với tổng vốn 29.000 tỷ đồng cho 36 dự án; trao chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với tổng vốn cam kết đầu tư gần 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên với 6 nội dung chính đã thu hút gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước biểu diễn, mang lại nhiều sản phẩm nghệ thuật có giá trị cao, góp phần nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Lễ hội đã đạt các mục tiêu: Quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất và kinh doanh trên địa bàn Đắk Lắk cũng như cả nước; nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy giá trị Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên; quảng bá, giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk nhằm mời gọi, xúc tiến những dự án đầu tư lớn trên địa bàn.
Lễ hội đường phố tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017. Ảnh: H. Gia
Kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được qua 6 kỳ tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 sẽ diễn ra từ ngày 9-3 đến ngày 16-3-2019 có chủ đề “Tinh hoa đại ngàn”. Với 6 nhóm hoạt động chính, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, góp phần nâng tầm giá trị và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Đặc biệt, điểm mới nổi bật của Lễ hội lần này là chú trọng quảng bá phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
Lê Hương