Quả bầu, giọt nước với người Tây Nguyên: [Bài 2] Cái 'lu nước' của mẹ thiên nhiên
Cập nhật lúc: 08:55 06/08/2019
Cũng trong đợt tăng cường công tác về xã Bờ Ngoong thuộc huyện Chư Sê cách đây mười tám năm ấy, tôi đã biết được cách đồng bào Tây Nguyên làm quả bầu khô để đựng nước, và hiểu thêm về ý nghĩa sâu xa và vô cùng nhân văn từ quả bầu khô này...
Quả bầu có nhiều giống, nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên người Tây Nguyên lại hay chọn giống bầu mà quả của nó mang hình dáng như cái hồ lô để trồng. Nhiều người gọi đó là bầu hồ lô.
Bầu hồ lô đựng nước. Ảnh: Huy Tịnh.
Bầu hồ lô - quả nhỏ thì bằng nắm tay, quả lớn thì có đường kính khoảng gang tay người lớn, và cao hơn gang tay một chút. Phần bụng (phía dưới) quả bầu phình to, gần đến phần cuống thì thắt eo lại, sau đó là phình ra nhưng nhỏ hơn phần bụng. Tự ngàn xưa, người Tây Nguyên thường dùng quả bầu hồ lô để đựng nước- tất nhiên là đã được chế tác kỳ công từ những bàn tay vô cùng khéo léo.
Để có được quả bầu khô đựng nước, người ta phải chọn giống rất kỹ, sau đó đem tra hạt trên nương rẫy vào khoảng tháng năm hàng năm. Khi quả bầu to bằng nắm tay thì chọn chừa lại mỗi dây hai đến ba quả đẹp nhất không méo mó, số còn lại vặt bỏ.
Khi quả bầu còn non, người ta phải treo trên cổ bầu một loại lá cây làm cho ruồi nhặng, sâu bọ sợ không dám đục. Đến khi bắt đầu cứng vỏ thì dùng dây cột giữ cho chắc trên giàn, sau đó lấy cây gai cây rừng vẽ hoa văn, hoạ tiết tuỳ theo ý thích mỗi người.
Không chỉ vẽ một lần mà cứ vài ngày phải nạo lại nét vẽ kẻo bầu lớn sẽ mất đi nét vẽ trước đó, đợi đến khi dây bầu héo khô mới cắt quả đem về nhà. Cũng có người thích thô mộc nên không vẽ gì lên vỏ bầu cả, mà chỉ làm cho nó đen bóng.
Khi bắt đầu chế tác quả bầu thành vật dụng đựng nước, không ít dân tộc ở Tây Nguyên còn làm cơm cúng Yang, sau đó dùng mũi dao sắc nhọn cắt cuống, đục lỗ phía trên cổ bầu. Cũng có những quả bầu người ta không cắt cuống, mà khoét lỗ tròn bên hông ngay phía dưới cuống, cái lỗ to nhỏ khác nhau tùy theo kích cỡ của mỗi quả bầu.
Bây giờ là đến lượt các cô gái Tây Nguyên thể hiện sự khéo léo và kỳ công của mình: Quả bầu sau khi đã khoét lỗ, được các cô gái mang ra suối, ngâm dưới bùn khoảng mười ngày hoặc lâu hơn thế nữa. Ngâm dưới bùn, ngoài tác dụng là vỏ bầu được bền bỉ, tránh việc bị mối mọt đục phá về sau, còn làm cho ruột quả bầu thối rữa. Các cô gái cho cát vào trong ruột, lắc mạnh nhiều lần cho ruột bầu rơi ra.
Ảnh: Huy Tịnh.
Cứ ngâm bùn, rồi lấy lên làm sạch ruột, hai đến ba lần như vậy, vỏ bầu cúng lại, dẻo dai, va đập rất khó vỡ. Phía ngoài vỏ bầu, các cô gái hái một loại lá cây bí mật nào đó, chà xát nhiều lần làm cho vỏ láng bóng mới thôi. Cũng loại lá cây ấy, cho vào bên trong súc sạch nhiều lần, mùi hôi của ruột bầu, của bùn sẽ tự khắc biến mất.
Cuối cùng, những quả bầu đã hoàn thành được treo lủng lẳng trên gác bếp. Khói bếp mỗi ngày bốc lên, ám vào quả bầu khô, càng làm cho chúng lên màu đên nhánh, bóng mượt và bền chắc hơn.
Không chỉ dùng cho việc đựng nước, quả bầu khô còn được đồng bào Tây Nguyên dùng vào nhiều việc khác như đựng rượu, đựng hạt giống; có không ít nghệ nhân của buôn làng còn chế tác quả bầu khô thành cái lồng đèn xinh xắn, thành một loại nhạc cụ độc đáo rất riêng của người Tây Nguyên... |
Lại nói về cái bầu khô. Người Tây Nguyên tự ngàn đơi, sinh hoạt chính chỉ ở... ruộng rẫy. Nhà ở làng chỉ là nơi để ngủ qua đêm, chỉ là nơi để đón khách quý, chỉ là nơi để tổ chức lễ hội của làng. Vậy nên ở nhà, hoàn toàn không có vật vụng đựng nước nào khác, ngoài mấy quả bầu khô.
Với nhiều dân tộc ở Tây Nguyên, mỗi người trong nhà từ mười tuổi trở lên đều có bầu nước riêng để đem theo khi đi rừng hoặc đi rẫy, đi chăn bò, thậm chí đem đi học. Thậm chí có người còn... đặt tên cho quả bầu của riêng mình. Thông thường mỗi nhà có một quả bầu rất to có thể chứa được từ năm đến bảy lít nước để uống, để tiếp khách tiếp khách- gọi là "bầu cái", đặt trong góc nhà. Người phụ nữ trong gia đình không được phép để "bầu mẹ" cạn khô nước; các "bầu con" được lấy nước từ "bầu mẹ" này, chia cho mỗi thành viên trong gia đình.
Nhớ cách đây hơn ba mươi năm, khi còn là anh giáo làng, dạy học ở làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định), do nhà xa nên tôi ở lại với làng, mỗi tháng một lần khoác ba lô lội rừng gần một ngày đường để về thăm nhà mấy hôm. Hồi đó, tôi được ở chung với gia đình ông bà Chín (dân tộc Ba Na). Ông là già làng, bà là cán bộ phụ nữ của làng. Mới đầu đến ở, không thấy có vật dụng gì để đựng nước uống hay để nấu cơm, tôi ra suối xách nước về đổ vào trong cái nồi đồng thật to. Điều lạ là chỉ có mỗi mình tôi dùng nước trong cái nồi ấy, còn mọi người trong nhà, mỗi người đã có... một quả bầu riêng, đựng nước cho chính mình uống.
Một thời gian sau, một hôm, ông Chín lấy trên gác bếp xuống một quả bầu khô đen nhánh và bóng loáng, ông cẩn thận lấy khăn lau sạch bụi bám bên ngoài rồi đưa cho bà Chín. Bà Chín cầm quả bầu ông đưa, đến bên quả "bầu mẹ" đặt ở góc nhà, lấy nước tráng qua quả "bầu con", sau đó đổ đầy nước, cầm đến bên ông Chín.
Ông bà gọi tôi lại gần, đưa tôi quả "bầu con" mà bà vừa cho đầy nước, trịnh trọng nói: "Cái này là của con!". Tôi hết sức ngạc nhiên, rồi vô cùng xúc động. Tôi đã được ông bà trao cho quả "bầu con", được bà lấy nước từ chính quả "bầu mẹ" ở góc nhà. Vậy là, tôi đã được ông bà Chín công nhận là thành viên chính thức trong gia đình.
Từ đó, tôi không còn ra suối xách nước về cho vào cái nồi đồng để dùng nữa.
Từ đó, quả bầu khô luôn đeo bên hông: Sáng sớm trước khi ra lớp dạy, bà Chín đã rót đầy nước từ quả "bầu mẹ" vào quả bầu của tôi. Lên lớp- cả thầy và trò, mỗi người lủng lẳng một quả bầu khô đựng nước. Dạy xong, về nhà ăn cơm, rồi theo ông bà Chín, theo người lớn trong làng đi làm ruộng làm rẫy, quả bầu lủng lẳng bên hông. Có hôm theo lũ trẻ vào rừng chăn bò hoặc ra suối lặn xuống nước bắn cá, quả bầu vẫn cứ lủng lẳng bên hông. Lúc nào khát, cầm quả bầu lên, rút cái nút bằng lá chuối khô ra và ngửa cô tu một hơi, đậy nút, giắt lại bên hông...
Vậy đấy, người Tây Nguyên tự ngàn đời, không hề có vật dụng đựng nước nào khác ngoài quả bầu khô. Có dân tộc thì sáng sớm, phụ nữ và các cô gái ra giọt nước đầu làng, trên lưng là lủng lẳng cái gùi với quả "bầu mẹ", mấy quả "bầu con", hứng nước từ cái giọt nước thiêng của làng, cõng về nhà không rơi một giọt. Cũng có dân tộc, mỗi chiều đi làm về, ghé giọt nước đầu làng tắm táp, trò chuyện và lấy nước cho vào bầu, cõng về nhà để nấu cơm chiều, để uống trong đêm...
Do cấu tạo đặc biệt nên nước được lấy từ giọt nước tinh khiết đầu làng, đựng trong quả bầu khô mát và ngọt vô cùng
Khi đi nương đi rẫy, treo bầu nước trên cành cây, hoặc đặt trên tảng đá dưới cái nắng bỏng rát, nhưng khi mở nút lá chuối, ngửa cổ tu một hơi, nước không hề nóng mà vẫn mát, vẫn ngọt đến tận tâm can.
Quả bầu khô - với người Tây Nguyên- không chỉ đơn giản là vật dụng sinh hoạt thông thường, mà nó đã là hồn là cốt, là không thể thiếu của mỗi người. Quả bầu khô đi cùng mỗi người từ khi còn thơ ấu đến khi lớn lên, già đi, rồi về với thế giới Atâu, quả bầu khô vẫn được đặt trang trọng cùng với những vật dụng thường ngày khác, ở trong nhà mồ...
TRẦN BÌNH ĐỊNH