Tháng 3: Mùa Lễ hội ở Buôn Ma Thuột

Cập nhật lúc: 08:35 16/02/2019

“Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước, mùa em đi phát rẫy làm nương…” – câu hát trong bài hát “Tháng Ba Tây Nguyên” hẳn sẽ quen thuộc với những ai yêu thích vùng đất Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột đầy nắng, đầy gió nói riêng.

Du khách tham quan triển lãm ảnh tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017

Buôn Ma Thuột là thành phố trực thuộc tỉnh Đắk Lắk nằm ở ngay trung tâm vùng đất đỏ Bazan của khu vực Tây Nguyên. Thời tiết ở Buôn Ma Thuột khá là thú vị khi bạn có thể thưởng thức một ngày tới bốn mùa, sáng sẽ mát mẻ như mùa Xuân, trưa nắng nóng như mùa Hè, chiều xuống không khí thoải mái như mùa Thu và tối đến sẽ se se lạnh như mùa Đông. Với lợi thế về địa lý và thời tiết như vậy, Buôn Ma Thuột nhanh chóng trở thành nơi có sản lượng cà phê lớn nhất cả nước và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những “cường quốc” về Cà phê. Chưa hết, Buôn Ma Thuột còn là nơi có nhiều dân tộc anh em sinh sống nữa, như là Ê-Đê, Gia Rai, M’Nông, Thái, Tày, Nùng,… mỗi dân tộc có một màu sắc riêng, có văn hóa riêng, có những lễ hội riêng nên cũng góp phần làm cho nơi này có nhiều màu sắc về yếu tố văn hóa – con người hơn nữa.

Bấy nhiêu điều “Chỉ có ở Buôn Ma Thuột” như vậy đã đủ hấp dẫn để bạn đến với Buôn Ma Thuột vào tháng Ba này chưa? Và, bật mí nè, từ ngày 9 đến ngày 16 tháng Ba là những ngày diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 đó, khi mà có nhiều hoạt động nhằm tôn vinh sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột và màu sắc của những đồng bào dân tộc anh em đang sinh sống ở vùng cao đất cao nguyên đại ngàn này đến với đông đảo du khách.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê sẽ là Đại sứ và đồng hành cùng các chương trình của Lễ hội

Để tới Buôn Ma Thuột khá là dễ dàng khi có nhiều hãng hàng không cung cấp những đường bay thẳng từ Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng,… đến Buôn Ma Thuột với thời gian bay chỉ từ 35 phút đến hơn 1 giờ 30 phút thôi. Để tiết kiệm mình thường chọn các chuyến bay của hãng VietjetAir với giờ bay khá là hợp lý để có thể dành trọn vẹn hai ngày cuối tuần ở đây. Chỉ cần lướt Facebook thôi mà mình đã thấy không khí lễ hội Cà phê năm nay đang rần rần ở Buôn Ma Thuột rồi, làm mình nhớ đến những trải nghiệm thú vị ở kỳ lễ hội năm ngoái…

Mình trở lại Buôn Ma Thuột vào trung tuần của Tháng Ba vì mãi mê màu trời xanh biếc với vài vợn mây trắng, cái gió nhẹ nhẹ, cái mùi hoa cà phê nở bung ở những rẫy cà phê,… và mê cả những tiếng cồng chiêng rộn ràng núi rừng, những điệu nhảy truyền thống của những người đồng bào khi các buôn làng hòa mình vào trong Lễ hội Cà Phê Buôn Ma Thuột. Và đây là những điều mình ấn tượng mãi đến giờ.

Lòng reo vui cùng Lễ hội đường phố

Mình sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Tây Nguyên này, sau đó xuống Sài Gòn học đại học rồi đi làm luôn ở đấy nên khi được chứng kiến, được sống những ngày Buôn Ma Thuột vào hội cảm giác thật lạ. Ngần ấy năm trời mình ở Buôn Ma Thuột chưa bao giờ thấy vui đến thế. Mình cảm nhận được niềm vui, niềm hân hoan của những người dân nơi đây, của du khách khi đứng hai bên đường để nhường chỗ cho đoàn diễu hành đường phố với hàng trăm nghệ sĩ đi ngang qua, vừa đi vừa hò reo, vừa nhảy, múa trong trang phục truyền thống của dân tộc họ. Theo sau họ là hàng dài những chú voi nối đuôi nhau, được phủ lên người những tấm thổ cẩm của người Đồng bào và do những anh nài voi điều khiển. Cả con đường Nguyễn Tất Thành bình thường rất đông xe nhưng giờ nhường lại cho đoàn diễu hành này, chẳng một lời than vãn vì họ phải đổi hướng xe mà là những ánh mắt thích thú. Mấy khi Buôn Ma Thuột vui như vậy chứ?

Lễ hội đường phố tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 năm 2017

Thưởng thức cà phê miễn phí

Đến Buôn Ma Thuột mà không thưởng thức những ly cà phê mà dân ghiền cà phê nào cũng nói đến thì thật là uổng phí. Và nhất là khi có rất nhiều quán cà phê sẵn sàng miễn phí ly cà phê để bạn trải nghiệm thử cà phê ở đây xem nó như thế nào đấy.

Thưởng thức chương trình nghệ thuật và uống cà phê miễn phí tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột vào dịp lễ hội

Dân Ban Mê mình có nhiều cách để thưởng thức lắm, như là cà phê đen đá chỉ cần có chút cà phê và cục đá nhỏ là xong; cà phê sữa đá thì thêm chút xíu sữa đặc rồi khuấy lên và thưởng thức thôi; cầu kỳ hơn thì có thể gọi ly cà phê pha phin để ngồi nhìn những giọt cà phê thơm ngon rớt xuống ly qua chiếc phin; và đặc biệt là ly cà phê kem mà bạn sẽ không tìm thấy được ở nơi nào khác ngoài Buôn Ma Thuột.

Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi thấy ly cà phê được mang ra đó, vì chúng nhỏ hơn hẳn những ly cà phê bạn thưởng thức ở những thành phố khác. Tuy nhiên, nếu bạn không quen uống cà phê thì có thể bị say cà phê vì cà phê ở đây rất là đậm đặc đấy. Biểu hiện của say cà phê là thấy choáng nhẹ và đừ người, lúc này bạn uống nhiều nước hơn và ngồi nghỉ chút là ổn ngay ý mà.

Tận mắt xem những nghi lễ truyền thống của người đồng bào

May mắn cho tỉnh Đắk Lắk mình khi đây là nơi có nhiều đồng bào dân tộc anh em sinh sống nhất cả nước khi có tới 47 dân tộc gồm người Kinh, Ê Đê, M’Nông, Thái, Tày, Nùng,… trong đó chiếm khoảng 70% là người dân tộc Kinh và các dân tộc anh em còn lại chiếm khoảng 30%. Với sự đa dạng dân tộc như thế này đã tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, đặc biệt là những lễ hội truyền thống của họ, như là: lễ cúng nhà mới, lễ cúng bến nước, lễ cầu mùa màng bội thu, lễ mừng lúa mới…

Lễ cúng sức khỏe cho Voi

Trong khuôn khổ Lễ hội Cà Phê, bạn sẽ được tận mắt xem một vài buổi nghi lễ truyền thống đặc trưng của những người đồng bào ở đây, như là Lễ kết nghĩa anh em của đồng bào Ê-Đê dưới sự chứng kiến của Già làng, thầy cúng và những người trong buôn, làng để kết nạp những người anh em mới và thề hẹn sẽ cùng chung cộng khổ với nhau. Nhưng ấn tượng với mình nhất vẫn là Lễ cúng sức khỏe cho Voi diễn ra ở Buôn Đôn – nơi đã có truyền thống lâu năm về săn, bắt và thuần dưỡng Voi rừng.

Với những người đồng bào, Voi được xem như là một người bạn thân thiết của gia đình. Từ khi Voi sinh ra, họ làm lễ đặt tên cho voi; khi săn bắt và thuần dưỡng được, họ làm lễ kết nạp Voi làm thành viên của gia đình và mỗi năm họ làm lễ cúng sức khỏe cho Voi, phần để mong những vị Giàng ban sức khỏe cho Voi, phần để nhắc nhở những chủ nhân chăm sóc và quan tâm tới sức khỏe Voi.

Mâm cúng sức khỏe cho Voi cũng được chú trọng lắm nhé, phải luôn có đầy đủ những món: rượu cần, đầu heo, bộ lòng heo, tiết, gạo, muối, cơm nắm, gà, cá khô, vải thổ cẩm và thân cây chuối, mía để cho Voi ăn. Sau khi chuẩn bị xong, nghi lễ sẽ do Già làng hoặc Thầy cúng uy tín nhất trong làng thực hiện bằng việc mời gọi Giàng, Giàng Núi, Giàng Sông, Giàng của loài voi… về chứng kiến nghi lễ và ban phát sức khỏe cho Voi. Xong phần Lễ, Voi sẽ quỳ hai chân trước xuống để tỏ lòng biết ơn và để được Già làng bôi tiết lợn lên đầu voi như sự chứng giám của các thần linh, rồi cho Voi ăn thân cây chuối, cây mía và những lễ vật đã dâng lên các thần linh.

Có đến tận nơi để chứng kiến những nghi lễ của người đồng bào mới thấy sự gắn kết giữa con người với con người, giữa con người và con voi mới thiêng liêng và được quý trọng như thế nào. Nhớ nhé, đừng bỏ qua khi đến Buôn Ma Thuột vào mùa Lễ hội nha.

Xem đua voi và đua thuyền độc mộc

Chỉ với khoảng một tiếng rưỡi chạy xe từ trung tâm thành phố trên Quốc lộ 27 là bạn đến với huyện Lắk, nơi có hồ nước ngọt lớn thứ hai Việt Nam chỉ sau hồ Ba Bể và là nơi có nhiều người đồng bào M’Nông sinh sống. Hồ Lắk thường được chọn để diễn ra hoạt động đua voi và đua thuyền độc mộc vì hồ Lắk rộng khoảng 5km, mặt hồ yên ả và khu vực đua chỉ cao hơn nửa thân con voi àh. Àh, còn Lễ hội năm nay, đua voi sẽ được diễn ra ở Buôn Đôn nhé, rất tiện để các bạn vừa có thể xem đua voi và vừa có trải nghiệm khi xem Lễ cúng sức khỏe cho Voi mà không phải di chuyển nhiều, khỏe re ha.

Đua voi thường đua trên cạn và đua dưới nước để những người quản tượng có thể trình diễn tài năng thuần dưỡng và đào tạo voi của họ . Mỗi chú voi đều đeo tấm vải với những con số để mọi người tiện theo dõi, trên cổ của nó có những người quản tượng tài ba để điều khiển Voi và thúc Voi chạy. Phải đến tận nơi để xem đua voi mới thấy sự hấp dẫn của hoạt động này khi không còn chỗ trống nào gần với đường đua của voi cả, dân địa phương, du khách và đặc biệt là những nghệ sĩ nhiếp ảnh rất thích săn những bức hình độc đáo về hoạt động này.

Đua thuyền độc mộc

Để có sức đua, những chú voi này sẽ được chăm sóc đặc biệt hơn trước ngày đua vài ngày, như là không phải kéo gỗ, chở khách hay làm những việc nặng để dưỡng sức, được cho ăn nhiều loại củ bổ dưỡng hơn. Nên khi vào cuộc đua, Voi sẽ sung sức để chạy trong không khí cổ vũ rần rần của những khán giả quanh đường đua.

Lễ hội voi ở Buôn Đôn

Một cuộc đua thú vị không kém khác là đua thuyền độc mộc. Như cái tên của nó, thuyền độc mộc nghĩa là thuyền được đục đẽo chỉ từ một thân gỗ lớn nguyên vẹn, thẳng, đường kính lớn để có sức chở những loại hoa màu và để những người đồng bào ở đây có thể di chuyển trên hồ Lắk. Ban đầu, những người dân trong làng thường tổ chức những cuộc đua thuyền độc mộc nhỏ nhỏ cho vui sau những ngày thu hoạch mùa màng mệt nhọc, dần về sau trở thành một hoạt động mang tính đặc trưng của người đồng bào dân tộc thiểu số Đắk Lắk nói chung và ở khu vực hồ Lắk nói riêng.

Buôn Ma Thuột vốn yên bình và không đông đúc nhưng Lễ hội Cà Phê Buôn Ma Thuột đã giúp những người con nơi này và biết bao nhiêu du khách được sống những ngày “Tháng Ba Tây Nguyên” đầy tiếng cười, tiếng chiêng, tiếng nhạc, tiếng hát hò reo vui ca khắp các con đường ở thành phố cũng như các buôn làng ở Buôn Đôn, ở Lắk,… Mình hy vọng, thông qua lễ hội này, hình ảnh về Buôn Ma Thuột, về những ly cà phê ngon ơi là ngon, về những nghi lễ truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số, về những người con Tây Nguyên… sẽ lan rộng hơn để Buôn Ma Thuột trở thành một điểm đến thú vị cho những ai yêu thích cà phê và thích những giá trị văn hóa – truyền thống. Tháng Ba này, lên Buôn Ma Thuột mình chơi nha.

Một số thông tin về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2019

  • Thời gian diễn ra: Từ ngày 09 – ngày 16 tháng 03 năm 2019

  • Chủ đề chính: Tinh hoa đại ngàn

  • Các hoạt động chính:

    • Lễ khai mạc diễn ra lúc 19:00 ngày 09/03/2019 và lễ bế mạc diễn ra lúc 20:00 ngày 16/03/2019, tại Quảng trường 10/3

    • Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019 diễn ra từ ngày 05/3 đến ngày  09/3/2019

    • Lễ hội đường phố: 16:00 ngày 09/03/2019, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh

    • Khai trương Đường sách: ngày 09/03/2019, tại đường Kim Đồng

    • Thưởng thức cà phê miễn phí: từ ngày 09 đến ngày 16/03/2019, tại các quán cà phê nổi tiếng ở Buôn Ma Thuột

    • Hội đua Voi & Lễ cúng sức khỏe cho Voi: 08:00 ngày 11 đến 09:00 ngày 13/03/2019, tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn

    • Hội đua thuyền độc mộc: ngày 14/03/2019, tại Hồ Lắk, huyện Lắk

    • Khai trương Bảo tàng Cà phê Thế giới: ngày 09 đến ngày 16/03/2019

  • Chi tiết cụ thể và cập nhật tin tức mới về lễ hội: truy cập website lehoicaphe.vn

Nguồn : Tạp chí của hãng Vietjet Air