Thơm lừng món cá suối nướng lá chuối
Cập nhật lúc: 10:46 24/08/2019
Mùa mưa Tây Nguyên được xem là mùa sinh sôi của nhiều loại cá sông, cá suối. Dịp này, nhiều hộ đồng bào thiểu số trên địa bàn tỉnh sử dụng các loại dụng cụ đơn giản được đan từ tre, nứa đổ ra suối bắt cá.
Đây được xem là nguồn thực phẩm quý vào mùa mưa của đồng bào, giúp cải thiện bữa ăn gia đình.
Tuy được chế biến đơn giản như cá nướng than, cá luộc, cá kho, cá chiên giòn… nhưng với nguyên liệu từ những con cá niên, cá bống, cá trắng, cá lăng, cá lóc… tươi rói bắt được từ sông suối giúp món ăn trở nên hấp dẫn, ngon cơm những ngày mưa gió.
Cá suối bọc lá chuối nướng giữ nguyên được vị tươi ngọt của cá suối
Cá suối với đặc điểm ăn các loại rong rêu, giáp xác, thịt chắc, chế biến được nhiều món ăn bổ dưỡng. Vào những đợt bắt được nhiều cá ở suối, đặc biệt là cá lăng nhỏ hay cá bống, người M’nông, Mạ ưa thích chế biến theo cách nướng lá chuối.
Hai loại cá này có thể được xem là đặc sản cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Cuộc sống gắn liền với thiên nhiên và cách chế biến thức ăn trong ẩm thực cũng rất dân dã. Trong đó, món cá suối nướng lá chuối truyền thống rất độc đáo, thơm ngon.
Cá suối sau khi bắt lên được sơ chế, bỏ ruột tránh vị đắng, để ráo bớt nước mới tẩm ướp gia vị. Món này chế biến từ các loại cá nhỏ nên cách làm cá tuy đơn giản nhưng cũng mất thời gian. Đầu cá được nắm chặt bằng hai ngón tay cái, dùng dao khứa ngang bụng cá rồi lấy ruột bỏ đi. Để giữ mùi thơm và vị ngọt của cá suối, đồng bào không tẩm ướp nhiều loại gia vị. Một chút muối, bột ngọt được trộn đều vào cá để tăng thêm vị đậm đà cho nguyên liệu chính.
Ngoài ra, hạt tiêu rừng và ớt rừng đã chín đỏ cũng được giã nát rồi ướp vào cá tạo thêm độ cay, kích thích vị giác. Một trong những nguyên liệu không thể thiếu là các loại rau thơm ở quanh vườn hay bìa rừng như rau răm, lá lốt, húng lủi… Mỗi gia đình thường chọn cho mình một loại rau thơm ưa thích, sau đó thái nhỏ rồi trộn chung với cá khoảng 15 – 30 phút trước khi nấu.
Để nấu được món này, đồng bào tìm chặt lá chuối tươi. Sau đó hơ tàu lá chuối trên bếp lửa để lá chuối héo và mềm dần, khi gói cá sẽ không bị rách. Nhiều người còn nhúng lá chuối qua nước sôi để tạo độ dẻo và tăng mùi thơm khi nấu. Đổ cá đã ướp thấm gia vị vào lá chuối rồi gói lại, dùng dây tước ra từ bẹ chuối buộc chặt. Lưu ý là lá chuối phải đặt chồng chéo lên nhau từ 4 đến 5 lớp. Một số trường hợp còn lót thêm một lớp lá dong trong cùng để tăng thêm mùi thơm cho món ăn. Sau khi đã buộc chặt thì gói cá được đem đi nướng.
Cá suối bọc lá dong, lá chuối nướng ăn kèm muối củ kiệu được trình bày trên mâm cơm truyền thống của đồng bào thiểu số tại chỗ
Có hai cách nướng mà đồng bào nơi đây thường sử dụng. Thứ nhất là cách vùi trong tro nóng. Bếp lửa được nhóm lên trước đó, củi được đốt cháy thành tro. Gói cá bọc lá chuối sẽ được vùi dưới lớp tro nóng, trên đặt thêm vài cục than hồng tăng thêm nhiệt. Trong quá trình nướng, hơi nóng làm cá tiết ra nước nhưng có lớp lá giữ lại giúp cá được chín từ từ mà không mất nước ngọt của cá. Lá dong, lá chuối còn tiết ra dầu thấm vào cá giúp cá chín ngon hơn, đều hơn. Gói cá thường được ủ nướng trong tro trong 1 đến 2 tiếng.
Thứ hai là cách nướng trực tiếp trên than. Dùng hai thanh tre chẻ đôi, kẹp gói cá vào giữa, buộc chặt các đầu thanh tre lại rồi đặt bên bếp than đang cháy. Khi nướng chú ý không cho than lửa cháy quá lớn để cá có thể chín từ từ và trở đều các bên. Nướng đến lúc nào lớp lá chuối bên ngoài cháy sém, mùi thơm ngào ngạt là có thể đem bày lên mâm cơm.
Mùi của cá chín, của rau thơm quyện vào nhau theo làn hơi nước tỏa ra khắp bếp. Bóc lá chuối ra, lúc này từng con cá đã chín kết dính vào nhau, mùi thơm được phóng thích ngập tràn xung quanh. Có mùi vị rất đặc biệt kích thích khứu giác và vị giác bởi mùi thơm, vị ngon ngọt của cá, vị cay của ớt, cùng với rau thơm và thoang thoảng dễ chịu của mùi lá dong, lá chuối. Cá suối nướng lá chuối ăn kèm muối ớt hoặc muối củ kiệu rất thích hợp. Miếng thịt cá trắng, thơm ngọt, giàu dinh dưỡng như khẳng định món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho đồng bào nơi đây.
Bài, ảnh: H’Mai